SINH VIÊN KHOA TRUYỀN THÔNG NÓI VỀ VẤN NẠN TIN GIẢ

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 04-04-2020

KTT - Cả Thế giới hiện nay đang chống lại sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, cùng với những thông tin kịp thời của các cơ quan báo chí chính thống về tình hình dịch bệnh, mạng xã hội cũng có những tin tức khác nhau về Covid-19, trong đó có những thông tin sai lệch về diễn biến của dịch bệnh này và nó được lan truyền một cách rộng rãi trên mạng xã hội. Nó không những gây hoang mang dư luận, làm tăng tâm lý sợ hãi cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự xã hội, mất ổn định an ninh chính trị.


Trong thời kỳ công nghệ không dây phát triển như hiện nay, trên không gian mạng đang tồn tại loại virus không gây dịch bệnh nhưng lại gây hậu quả khôn lường đó là “virus tin giả”. Và thực tế, thứ virus này đang làm ảnh hưởng tới việc phòng chống dịch bệnh, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia.

Tin giả (fake news) đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus vùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.

Những ngày đầu dịch bùng phát, trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus Corona hay số lượng người chết về dịch bệnh này khiến cộng đồng thêm  phần hoang mang, sợ hãi. Ngay tại Hà Nội, vào thời điểm Chính phủ chính thức công bố dịch Corona, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đổ xô tới các cửa hàng y tế, các nhà thuốc để mua khẩu trang, nước sát khuẩn, thậm chí đứng xếp hàng từ 2 giờ sáng.  Hệ lụy nhãn tiền là một nhóm đầu cơ đã lợi dụng tình thế để tăng giá hai mặt hàng này lên gấp nhiều lần ngày thường, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Còn người dân lại thêm phần hoảng loạn vì cho rằng không có 2 mặt hàng kia thì bản thân và gia đình có thể mắc bệnh và tử vong bất cứ lúc nào. Hay tin Thành phố Hồ Chí Minh vị phong tỏa 14 ngày khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho các bạn sinh viên đang theo học tại thành phố, những người dân cũng vội vàng đi tích trữ đồ ăn…

Thực tế cho thấy, trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Có người lợi dụng sự nhẹ dạ của nhiều người đã phao tin nhảm, nhằm câu like, view để họ bán được mặt hàng nào đó. Họ chọn cách tung ra những thông tin sai, chưa kiểm chứng, thậm chí nguy hiểm, độc hại để gây hoang mang trong xã hội.

Tin giả về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua tràn ngập trên mạng xã hội. Sinh viên chính là đối tượng tiếp cận mỗi ngày vì đa phần các bạn đều sử dụng mạng xã hội.

Ý kiến của sinh viên Truyền thông về vấn nạn Tin giả

Giữa tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay thì "dịch Tin giả" cũng nghiêm trọng không kém... Rất nhiều bạn sinh viên xa quê lên các trung tâm thành phố khá hoang mang khi số người tung tin giả còn nhiều hơn số người nhiễm Sars-CoV-2. Khi xúc động, bất an, căng thẳng, lo lắng là lúc chúng ta dễ thành nạn nhân của tin giả. Động cơ của người phát tán những loại tin này chủ yếu là để trục lợi - lợi ích kinh tế, trực tiếp hoặc gián tiếp. 

Tuy nhiên, là sinh viên Truyền thông, các bạn có suy nghĩ gì về vấn nạn này và đối phó nó như thế nào?

Bạn Neàng Pít Quanh Na – Sinh viên năm 3 nêu ý kiến “Mạng xã hội hiện nay đang ngập tràn vấn đề về tin giả, tin thất thiệt, nó sẽ làm cho người đọc hoang mang, lo lắng và sợ hãi. Để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra, chúng ta cần phải chọn lọc nguồn tin chính xác, sáng suốt trong việc lựa chọn thông tin”.

“Thật sự trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc đăng tải một thông tin trên các trang mạng xã hội là rất dễ dàng. Nhưng để không làm hoang mang dư luận, không làm hại đến bản thân, gia đình và xã hội thì việc tung tin không được kiểm chứng là điều không nên làm. Bản thân mỗi người chúng ta cũng vậy. Đã là những người có hiểu biết hãy luôn cập nhật thật tốt mọi thông tin trên các trang đáng tin cậy, có kiểm chứng của các cơ quan chức năng, nhà nước. Không tin hay truyền bá những thông tin sai lệch để phần nào thúc đẩy xã hội ổn định và văn minh cộng đồng được nâng cao” – Bạn Võ Song Toàn, sinh viên năm 2 chia sẻ.

Sinh viên Phạm Minh Thuận nói: “Trong thời đại 4.0 hiện nay thì hầu hết ai ai cũng có sẵn cho mình một chiếc điện thoại thông minh để có thể lướt web xem tin tức hằng ngày thế nhưng có nhiều người lợi dụng chức năng tiện ích đó để đăng nhưng thông tin sai trái lệch lạc khiến dư luận hoang mang lo lắng cho nên là một người sử dụng thông minh thì chúng ta phải phân biệt tin nào tin thật tin nào không bằng cách tìm hiểu thông tin một cách chính xác hay đọc những bài báo ở những nơi uy tính và cảnh báo cho những người thân xung quanh biết cái nào là giả cái nào là thật để họ có thể yên tâm bớt hoang mang lo lắng hơn trong công cuộc chống dịch hiện nay”

Về việc đối phó với tin giả, bạn Lý Huỳnh Long chia sẻ “…ta phải nói đến ý thức và nhận thức, cần phải tập trung giáo dục về nhận thức với người dân và xử phạt nghiêm khắc với những đối tượng lan truyền tin giả. Chúng ta cần phải tiếp nhận thông tin từ những nguồn tin chính thống chứ không thể chỉ vì vài post trên các trang mạng xã hội rồi tuyên truyền khi chưa biết được tin đó có đúng hay không. Và các trang báo cũng nên chú ý hạn chế việc giật tít để câu view mà dễ gây hiểu lầm cho người đọc”

Về việc lựa chọn nguồn tin, các bạn sinh viên đều có cùng ý kiến nên lựa chọn đúng nguồn tin chính thống để có những thông tin kịp thời và xác thực.

Bạn Bùi Thị Mỹ Linh chia sẻ “Để có thể nhìn nhận vấn đề một cách chân thực và nhanh chóng nhất trong tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp hơn thì việc rất nhiều người dễ bị các thông tin sai lệch làm mờ mắt bởi tính chất gây kích động cao và số liệu cập nhật nhanh chóng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khách quan hơn, đa số trong chúng ta đều chưa thật sự có kỹ năng đánh giá và nhìn nhận bài viết dựa trên độ xác thực của vấn đề, để từ đó biết được bản thân nên tin hay không tin vào một bài viết. Hay đơn giản là tìm riêng cho mình 1 nguồn thông tin chính thống thực sự tin cậy.”

 “…thông tin cũng chính là con dao hai lưỡi. Thời điểm này, thời điểm mà dịch bệnh covid 19 đang từng giây từng phút chống lại nhân loại,mà chúng ta lại lan truyền nhưng thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Từ đấy gây ra rất nhiều hệ luỵ. Mà có lẽ hệ luỵ ấy con nguy hiểm rất nhiều so với đại dịch hiện tại… Cần xử lý nghiêm những ngừoi đưa thông tin sai lệch hoặc chia sẽ thông tin rác đấy. Để răng đe, để đảm bảo chúng ta cùng vững lòng, đẩy lùi virut covid 19 và cũng đẩy lùi con virut thông tin rác không kém phần nguy hiểm.” Bạn Lê Ngọc Trường An chia sẻ.

Theo các bạn sinh viên khoa Truyền thông, khi tham gia mạng xã hội, việc đọc được những tin tức sai lệch là không tránh khỏi, tuy nhiên tuyệt đối các bạn phải tỉnh táo, chọn lọc thông tin tiếp nhận, không được chia sẻ hay bình luận vào các đường link ấy. Quan trọng cần lựa chọn đúng nguồn tin chính thống, chia sẻ đúng sẽ chung tay trong công tác truyền thông về dịch bệnh, chia sẻ sai sẽ làm tăng lên sự hoang mang và chính người chia sẻ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó, các bạn chia sẻ việc tiếp nhận thông tin trên các tờ báo chính thống, đài truyền hình sẽ xác thực và an toàn hơn, đảm bảo tính chính xác của thông tin, đáp ứng nhu cầu tin tức của công chúng.

Bạn Nguyễn Trần Thành Công – Sinh viên năm nhất Khoa Truyền thông nói “Là một sinh viên Khoa Truyền thông, em thiết nghĩ nên áp dụng hình thức xử lý mạnh với việc đưa tin sai sự thật. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phân biệt thông tin thật – giả, lựa chọn nguồn tin để đọc, không chia sẻ nội dung không chính xác, đặc biệt đối với các bạn sinh viên để góp phần hạn chế triệt để các nguồn thông tin giả”

 

 

Sau khi đưa ra vấn đề về nạn tin giả hiện nay trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Khoa Truyền thông được sự hỗ trợ của Đoàn – Hội khoa đã nhận được rất nhiều ý kiến của các bạn sinh viên về vấn đề này. Hy vọng với những chia sẻ của các bạn, có thể yên tâm sinh viên khoa chúng ta sẽ là những sinh viên thông thái, thật tỉnh táo khi đọc hoặc nghe những thông tin về tình hình dịch bệnh và chung tay cùng cả nước phòng chống dịch bệnh – phòng chống tin giả.

K.P, Đoàn - Hội Khoa Truyền thông

Hình ảnh: benthanhgroup

BBT Website – K.P

 

Từ khóa: