bởi quản trị viên | Ngày đăng: 02-03-2022
Sinh viên lớp Truyền thông Văn hóa 8.2, Khoa Truyền Thông thuộc trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với thiện nguyện tại "Làng Gà", huyện Đức Trọng – Lâm Đồng...
Nằm tại huyện Đức Trọng – Lâm Đồng, làng K’long (hay làng Gà) là một ngôi làng có lịch sử lâu đời về nghề dệt thổ cẩm. Thu nhập từ thổ cầm từng là nguồn kinh tế của người dân làng này. Tuy nhiên, hiện ngành nghề đang đứng trước nguy cơ dần mai một vì không còn sự kế thừa từ thế hệ trẻ, điều này đã ảnh hưởng đến việc gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc của những người làm nghề truyền thống.
Làng K’Long (hay Làng Gà)
Vốn là sản phẩm của sự khéo léo và tinh tế, vải thổ cẩm được làm thủ công bởi những người dân ở vùng dân tộc thiểu số. Mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của các dân tộc. Vải thổ cẩm là sản phẩm lâu đời được những người dân Tây Nguyên, cụ thể ở đây là người K’Ho sử dụng để may các loại trang phục. Ngày nay, thổ cẩm vẫn được nhiều người ưa chuộng bởi những ưu điểm trong sử dụng và vẻ đẹp truyền thông, cổ xưa. Đặc biệt, những sản phẩm làm từ thổ cẩm cũng rất được lòng khách du lịch.
Nhận thấy được điều đó, sinh viên lớp Truyền thông Văn hóa 8.2, khoa Truyền Thông thuộc trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với thiện nguyện mang tên “Sắc màu Darahoa”, nhằm tôn vinh giá trị của làng nghề truyền thống này và góp phần lan tỏa thông điệp yêu thương đến với những người dân nơi đây.
Một số sản phẩm từ thổ cẩm
Với thông điệp ‘tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” chương trình sẽ mang đến những phần quà cho các hộ gia đình khó khăn và trẻ em nghèo hiếu học tại làng K’long. Cùng với đó, “Sắc màu Darahoa” cũng là cơ hội để sinh viên trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và sinh viên Khoa Truyền thông, lớp Truyền thông Văn hóa 8.2 nói riêng được giao lưu văn hóa, biết thêm về nghề dệt thổ cẩm, từ đó góp phần gìn giữ và làm sống dậy nét đẹp của làng nghề đang dần bị lãng quên.
Dưới sự hướng dẫn của Thạc sĩ – Đạo diễn Hoàng Duẩn, cùng sự tham gia của các đơn vị tài trợ, chương trình hứa hẹn sẽ làm nên một “Sắc màu Darahoa” đặc biệt giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Sinh viên truyền thông cùng trẻ em tại làng K’Long