bởi quản trị viên | Ngày đăng: 18-10-2020
Nằm trong chương trình chuyên ngành Truyền thông văn hóa, học phần Di sản văn hóa là cơ hội cho sinh viên chuyên ngành tìm hiểu về di sản văn hóa Việt Nam thông qua những kiến thức lý thuyết và chuyến đi thực tế tại các địa phương. Cùng theo chân nhóm sinh viên đầu tiên của Truyền thông Văn hóa 8.2 đến Cao Lãnh - Đồng Tháp nhé!
“Thực tế”, vốn một phần quan trọng trong học tập và nghiên cứu văn hóa. Nếu chỉ học qua sách vở hay bất kì một phương tiện thông tin nào cũng không thể phản ánh được sự muôn hình, muôn vẻ của hiện thực khách quan. Chính vì vậy, sau khi được học những kiến thức nền tảng về Di sản văn hóa, sinh viên lớp Truyền thông Văn hóa 8.2 đã được đi thực tế tại tỉnh Đồng Tháp để có những đánh giá khách quan hơn về giá trị của Di sản văn hóa Việt Nam nói chung và tại Đồng Tháp nói riêng.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ ngày 16/10/2020 tại TP.HCM tiến về Đồng Tháp để viếng thăm mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - người đã sinh thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới - Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Khu di tích cách mạng Xẻo Quýt - nơi mà quân dân miền Nam đã dũng cảm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
7h00 sáng chúng tôi có mặt tại Mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, sau khi làm lễ thắp hương đầy trang trọng và thành kính, tiếp đến là được nghe thuyết minh, hướng dẫn tham quan khu di tích. Di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm cạnh chùa Hòa Long, ngay trong nội ô của thành phố Cao Lãnh. Đây là quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào ngày 09/04/1992.
Toàn bộ khu di tích rộng 9 ha, chia làm ba khu vực chính: mộ Cụ Phó bảng, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Nơi đây mang đến cho bạn một cảm giác thư thái, nhẹ nhàng khi nổi bật trên sắc hoa, màu lá là màu trắng tinh khiết, thanh thoát của các công trình: vòm mộ, hồ sen, phòng lưu niệm, nhà trưng bày giới thiệu về Cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan (thân phụ và thân mẫu của Bác Hồ) và nhà trưng bày về Bác. Với vẻ đẹp của khuôn viên, nơi có hàng trăm loại cây trái, hoa, cây cảnh quý hiếm được bà con địa phương và các tỉnh bạn hiến tặng làm cho mọi thứ nơi đây đều toát lên vẻ uy nghi mà giản dị, trang trọng mà gần gũi, khiến ta như sống trong không khí thiêng liêng, lòng không khỏi bồi hồi nhớ về công lao của Bác và các bậc sinh thành ra Người… Đặc biệt, ngay bên cạnh hai phía Lăng cụ còn có sự xuất hiện của 2 cây di sản văn hóa đầu tiên trên mảnh đất "Vua sen", đó là cây Khế hơn 200 tuổi và cây Sộp hơn 300 tuổi mang trong mình những giá trị lịch sử - văn hoá sâu sắc.
Mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sau nhiều lần sửa chữa nay đã được xây dựng kiên cố và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Vòm mộ hướng về phía Đông, là một cánh hoa Sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xòe úp xuống, trên là 9 con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che, ôm ấp mộ người chí sĩ yêu nước. Ngôi mộ Cụ Phó bảng được ốp đá hoa cương, nắm mộ hình chữ nhật màu xám tro, yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng, hình lục giác không đều mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Cách vòm mộ 25m về phía trước là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5m tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sáng của Cụ Nguyễn Sinh Sắc và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp yêu quý vươn thẳng giữa lòng Tổ quốc Việt Nam…
Lần lượt tham quan các công trình tại khu di tích mộ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, chúng tôi tham quan nhà sàn làm việc của Bác Hồ mặc dù chỉ là phiên bản theo tỉ lệ 1:1 nhưng cũng đã thể hiện rất đầy đủ, chi tiết cách sắp xếp, trang trí và vật dụng đồ dùng của Bác tại đây khiến chúng tôi có cảm giác như đang tham quan nhà sàn của Bác ở thủ đô Hà Nội.
Sau khi tham quan khu di tích mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chúng tôi khởi hành đi đến Khu di tích cách mạng Xẻo Quýt - một căn cứ nằm giữa đồn bốt địch, bom đạn ác liệt trong những trận càn nhưng vẫn đứng vững giữa lòng dân chỉ với những căn nhà hầm, công sự, hầm bí mật... rất đơn sơ như nó vốn có. Chúng tôi có cơ hội tìm hiểu thêm khung cảnh thực của cuộc sống khắc nghiệt thời chống Mỹ - dấu ấn về cuộc chiến tranh ác liệt đã qua.
Cái thú vị khi tham quan, du lịch miền tây là đi tham quan di tích bằng xuồng chèo tay mới thấy hết vẻ đẹp, cái nét đặc trưng của nó. Chiếc xuồng ba lá đưa du khách len lỏi giữa các thân tràm bao bọc bằng nhiều lớp vỏ vàng ươm mỏng như tờ giấy cuốn thuốc lá, hít thở không khí ẩm lạnh thơm mùi hoa, mùi nhựa tràm, nghe những âm thanh thiên nhiên vang trong tĩnh lặng, nơi nào nước sâu dùng chèo, nước nông thì chống sào, đôi lúc phải bám gốc cây đẩy xuồng tiến về phía trước. Đi trong rừng tràm nghe tiếng chim ngân nga, chợt mọi người dừng lại khi anh hướng dẫn chỉ tay xuống nước, tiếng reo thích thú của một một thành viên trong nhóm chúng tôi khi thấy một con cá lóc to cỡ bắp tay người, nghe tiếng động con cá quẫy đuôi mất tăm trong làn nước làm mọi người tiếc hùi hụi.
Kết thúc chuyến đi đã để lại trong nhóm chúng tôi nhiều ấn tượng đẹp và thật sự tự hào với tinh thần yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Đồng Tháp nói riêng, một tinh thần không gì có thể khuất phục được.
Chúng tôi rất hy vọng các học phần trong chương trình sẽ tạo điều kiện nhiều hơn cho sinh viên có cơ hội đi thực tế, tìm hiểu thêm về ngành/chuyên ngành của mình, từ đó sẽ bổ sung nhiều kiến thức ngoài nhà trường, hỗ trợ cho công việc trong tương lai.
Và giờ là hình ảnh chuyến đi của nhóm:
Viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nhà trưng bày
Cây khế 291 năm tuổi và cây sộp 330 năm tuổi
Đây là nhóm chúng tôi!
Tập thể nhóm tại Khu di tích cách mạng Xẻo Quýt - Đồng Tháp