Người trẻ cần thể hiện mình qua CV như thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 12-10-2022

Thế giới đang quay cuồng với những căng thẳng, bất ổn cả về chính trị, kinh tế và xã hội và cả sự xáo động về cơ hội việc làm. Để dễ dàng tiến lên phía trước, ghi dấu thêm nhiều điểm cộng trong hồ sơ xin việc ( tiếng Anh gọi là CV), để trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác, trở thành một ứng viên xuất sắc trong quá trình tìm kiếm việc làm, người trẻ cần lưu ý những gì? Tham gia tọa đàm "Bí quyết thuyết phục nhà tuyển dụng" do Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức.


Thế giới đang quay cuồng với những căng thẳng, bất ổn cả về chính trị, kinh tế và xã hội và cả sự xáo động về cơ hội việc làm. Để dễ dàng tiến lên phía trước, ghi dấu thêm nhiều điểm cộng trong hồ sơ xin việc ( tiếng Anh gọi là CV), để trở nên nổi bật hơn so với các ứng viên khác, trở thành một ứng viên xuất sắc trong quá trình tìm kiếm việc làm, người trẻ cần lưu ý những gì?

Câu hỏi này đã được các cán bộ tuyển dụng, giám đốc nhân sự với rất nhiều năm kinh nghiệm đưa ra qua phần trả lời của buổi tọa đàm chủ đề “Bí quyết thuyết phục nhà tuyển dụng” do Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức, diễn ra vào tháng 10, năm 2022.

Những lỗi cấm kị ở CV người trẻ thường ngó lơ

Ông Trần Huy Anh Đức, Phụ trách tuyển dụng của ngân hàng Eximbank, một trong những vị diễn giả chính của chương trình cho biết : Nhìn cách gởi email, cách dùng từ ngữ trong CV hay cách  mở cửa, kéo ghế ngồi xuống, quên hay nhớ kéo ghế về vị trí cũ sau buổi phỏng vấn, tôi có thể đoán được hầu như chính xác về tính cách của một ứng viên”. Điều này là sao nhỉ?

Là một trong những người có rất nhiều năm kinh nghiệm với vai trò giám đốc nhân sự, bà Lê Thị Tường Vi, nguyên giám đốc nhân sự Aura Group, Giảng viên Business FPT Education cho biết, khi đọc CV bà thường đánh rớt, loại thẳng tay  với những hồ sơ lấy từ template có sẵn, ghi đại, ngoài họ tên, trường, phần kinh nghiệm không có mà không thể hiện sự đầu tư sáng tạo. Đó là chưa kể đến những kiểu CV trùng lập, không rõ, hời hợt, dùng một nội dung ứng tuyển nhiều công ty nhưng quên xóa tên công ty cũ, hoặc không đính kèm file CV. Khi mình đọc CV ngay từ những phần cơ bản không đáp ứng được nên bị loại ngay từ vòng đầu.

Dù cho CV của bạn có ấn tượng đến mấy nhưng sai lỗi chính tả cơ bản có thể khiến nhà tuyển dụng loại bỏ bạn ngay lập tức mà chẳng cần suy nghĩ. Lỗi chính tả, lỗi định dạng cơ bản… không chỉ thể hiện bản thân bạn là người cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp mà còn “tố cáo’’ thái độ làm việc không chỉn chu, hiệu quả công việc mang lại sẽ thấp.

Nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao những ứng viên sử dụng email gửi CV và email liên lạc chính thống thay vì biệt danh không rõ ràng, thiếu nghiêm túc. Điều này chứng tỏ bạn là người chững chạc, nghiêm túc với công việc đang ứng tuyển. Để minh chứng cho lưu ý này, ông Lương Quang Hùng, tập đoàn IKEA Thụy Điển tại Việt Nam nhấn mạnh thêm, rằng đa số các nhà tuyển dụng sẽ ngó lơ mà không chút đắn đo khi nhận email từ những địa chỉ kiểu “songxotinhvo” “meohoang” “gaconhamchoi”.

Nếu như bạn là người hiểu rõ về yêu cầu viết CV xin việc, mẫu CV là gì nhưng vẫn mắc lỗi nhỏ này thì mọi sự nỗ lực của bạn có thể sẽ trở nên công cốc, thật đáng tiếc lắm thay.

Làm gì để buổi phỏng vấn “một phát ăn ngay”

CV đã rất nhiều điểm cộng, bạn được mời đến buổi phỏng vấn. Bạn giỏi giang, năng nổ, ngoại hình sáng, nhưng thái độ cần thể hiện ra sao trước mặt hội đồng tuyển dụng?

Chia sẻ với các bạn sinh viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TPHCM, hai chuyên gia tuyển dụng giàu kinh nghiệm và kỳ cực là chị Nguyễn Thu Quyên, Giám đốc miền Nam phụ trách đào tạo và nhân sự công ty Smartlife và chị Lê Thị Tường Vi, nguyên giám đốc nhân sự Aura Group  không chỉ giải đáp thắc mắc về “cơn khát” nhân lực của các công ty lớn ở nhiều lĩnh vực, những tố chất mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với một ứng viên tiềm năng, mà còn trực tiếp đưa ra những lời khuyên vô cùng giá trị và hữu ích cho các bạn sinh viên.

Nhà tuyển dụng giờ đây không chỉ chăm chăm vào những kỹ năng cứng của ứng viên, mà họ còn sử dụng một thang điểm đánh giá các kỹ năng mềm cần thiết trong thập kỷ mới này. Đáng chú ý nhất là một kỹ năng mềm mà sinh viên có xu hướng ngó lơ: kỹ năng thích ứng với các tác động xung quanh và thay đổi môi trường. Cũng cần lưu ý thêm một yếu tố quan trọng nữa: cách định danh bản thân mỗi người qua mạng xã hội, hay còn gọi là dấu chân số. Vì giờ đây, thế giới kết nối vói nhau qua những cú click chỉ cần một cú click, người ta dễ dàng nhận ra con người bạn, tính cách bạn qua những gì bạn chia sẻ qua các nền tảng mạng xã hội. Vậy nên, quyết định chia sẻ lên mạng hình ảnh bạn ăn chơi không chuẩn mực, cách khoe mẽ không cần thiết, những cách bạn gây hiềm khích, tạo hiềm khích, chỉ trích, vu khống… qua dấu chân số của mình cũng là điều đáng lưu tâm. Nhà tuyển dụng đánh giá cao những thông tin có gắn với kỹ năng, kinh nghiệm làm việc thông qua các sự kiện mà bạn tham gia. Vậy nên, sự chân thật, thái độ thành thật qua những câu nói, lời chia sẻ, cách định vị bản thân mình nổi trội, nhưng không quá lố, quá phóng đại vượt ngoài sự thật cũng là những điều các ứng viên cần ghi nhớ.

Các chuyên gia cũng chia sẻ thêm, nhiều bạn mắc lỗi rập khuôn khi học theo những clip trên Tiktok về cách phản hồi câu hỏi của nhà tuyển dụng qua buổi phỏng vấn. Học hỏi, tham khảo là điều cần thiết, nhưng chúng ta cần lưu ý đến chi tiết “ gạn đục khơi trong” nghĩa là biết vận dụng một cách hợp lý, sáng tạo và phù hợp, thay vì cứ bê nguyên xi mà không biết rằng nó hoàn toàn vô giá trị nếu bạn dùng những thông tin đó hỏi ngược lại nhà tuyển dụng một câu không liên quan đến vị trí của mình, bởi những điều đó cần cân nhắc cho chức vụ cao hơn. Vì vậy, các bạn sinh viên hãy học, trao dồi thêm những kỹ năng này và vận dụng cho hợp lý.

Lưu ý thêm về không khí của cuộc phỏng vấn.  Đó là việc giữ thái độ hòa nhã, vui vẻ, biết điều tiết cảm xúc, biết vận dụng tốt những kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ, sự thể hiện ánh nhìn có phân bố đồng đều, nhìn thẳng vào mắt người đối diện  vừa đem lại cảm tình cho nhà tuyển dụng, vừa thể hiện tính cách chân thật, có thể tin cậy cũng như vừa thể hiện rằng mình thật sự để tâm huyết tìm hiểu về công ty đang ứng tuyển.

Dù diễn ra dưới hình thức tọa đàm vào ngày cuối tuần trong vỏn vẹn 2 tiếng, buổi chia sẻ đã được các bạn sinh viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TPHCM hưởng ứng rất nhiệt tình bằng việc đưa ra các câu hỏi liên quan đến quá trình xây dựng CV và phỏng vấn dành cho các vị diễn giả khách mời. Đáng chú ý, buổi tọa đàm ghi nhận sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên khóa 8, khóa 9 (năm bốn, năm ba) của Khoa Truyền thông, cho thấy một tầm nhìn và khát vọng rất đáng khen ngợi trong việc tham gia sớm vào lực lượng lao động của các bạn trẻ này.

“Khi các em sinh viên có đủ năng lực, đủ kỹ năng và kiến thức thì chắc chắn sẽ hoàn thành công việc mà doanh nghiệp cần. Để làm được sẽ cần kết hợp cả bên ngoài và bên trong, nghĩa là cả trường đại học và doanh nghiệp đều phải chủ động trong vấn đề này. Vì vậy, Khoa rất chú trọng và đánh giá cao những buổi sinh hoạt ngoại khóa, tọa đàm như thế này để giúp ích cho sinh viên, đầy đủ sự chuẩn bị cần thiết, nền tảng giáo dục, kỹ năng trên bước đường lập thân lập nghiệp sau này”, tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, Trưởng Khoa Truyền thông tiếp lời trong phần phát biểu tổng kết của chương trình.

Chúc tất cả các bạn sinh viên sẽ tìm được công việc mà mình yêu thích, một cách hanh thông, thuận lợi nhất.

 

Tin: Nguyễn Thị Hồng Chi

Ảnh: LCH Khoa Truyền thông

 

Từ khóa: