Hội thảo khoa học: “Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới, lan tỏa năm châu”

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 28-03-2025

Hội thảo “Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới, lan tỏa năm châu”nằm trong khuôn khổ “Lễ hội Bánh mì” lần thứ 3, năm 2025 do Hiệp hội Du lịch TP.HCM phối hợp cùng Tạp chí Du lịch TP.HCM tổ  chức.


Từ phải qua: TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, TS. Lê Thị Thanh Thủy, ThS. Nguyễn Thị Thạch Ngọc, ThS. Cao Nguyễn Ngọc Anh và TS. Đặng Thị Kiều Oanh cùng Sv khoa Truyền thông tham gia Hội thảo

Sáng ngày 23/03/2025, tại Hội trường Công ty Du lịch Hòa Bình, TS. Lê Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy – giảng viên Khoa Truyền thông cùng một số sinh viên của khoa đã tham gia Hội thảo khoa học “Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới, lan tỏa năm châu”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ “Lễ hội Bánh mì” lần thứ 3, năm 2025 do Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu cùng chia sẻ, bàn thảo về cách thức lan tỏa giá trị của bánh mì nói riêng và văn hóa ẩm thực Việt Nam nói chung ra thế giới. Trọng tâm của hội thảo tập trung vào các nội dung sau:

Marketing destination (for tourism activity)
Thông qua hình ảnh, sự kiện, lễ hội, hoạt động và những nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn - TP.HCM, đặc biệt là văn hóa ẩm thực với món bánh mì, hoạt động marketing cho TP.HCM như một điểm đến nhằm kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ du lịch.

Developing Food Tour – Case study “Bánh mì”
Đối với bánh mì Việt Nam, phát triển mô hình Food Tour giúp du khách có những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ khi được tham quan quy trình chế biến bánh, nghe kể câu chuyện về bánh mì với những giá trị và triết lý ẩm thực ẩn chứa trong từng ổ bánh, và được thưởng thức chiếc bánh do chính mình làm ra. Food Tour giúp du khách có một hành trình khám phá sống động, nơi mỗi người không chỉ ăn bánh mì mà còn thực sự "sống" cùng nó.

Bánh mì – A product of cultural industry
Theo chia sẻ của nghệ nhân Kao Siêu Lực (người được mệnh danh là "Vua bánh mì Việt Nam"), ông đang xây dựng một tòa nhà 6 tầng như một “bảo tàng bánh mì sống”, nơi tầng trên cùng trưng bày các công cụ làm bánh mì thủ công thời kỳ đầu (như thùng phuy đắp đất sét) cho đến dây chuyền sản xuất bánh mì hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay, thậm chí nhiều quốc gia phát triển còn chưa có. Chiếc máy này có 12 dây chuyền tự động và có thể sản xuất 12.000 chiếc hamburger/giờ. Sản phẩm của ông được xuất khẩu đến nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… với sản lượng 60-70 container loại 40 feet mỗi tháng. Trong tương lai gần, ông mong muốn nâng sản lượng lên khoảng 100 container/tháng.

Cultural heritage communication - Case study “Bánh mì”
Việc truyền thông cho bánh mì như một di sản văn hóa phi vật thể cũng được đặt ra như một vấn đề quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh truyền thông số hiện nay, cần thực hiện một cách bài bản, hiệu quả và thiết thực hơn. Đồng thời, cần xem xét quảng bá, giới thiệu bánh mì trong mối quan hệ tương hỗ và tích hợp với các sản phẩm ẩm thực khác như cà phê, trà, phở, bún chả, cơm tấm, bánh xèo…

Lunchtruck – From mono-functional to multi-functional
Mô hình Lunchtruck (xe bán đồ ăn trưa) tại Mỹ cũng được GS. Chung Hoàng Chương (chuyên gia thuộc tổ chức phi chính phủ International Rivers) chia sẻ. Trước đây, những chiếc xe này chỉ bán hamburger hoặc hotdog cho người dân tại các khu phố đông đúc. Hiện nay, Lunchtruck không chỉ bán hamburger hay hotdog mà còn có cả bánh mì, taco, cronut, chop suey, xúc xích, thậm chí cả tôm hùm chiên giòn.

Bánh mì - Innovation & Fusion
Bánh mì du nhập vào Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX cùng với sự hiện diện của người Pháp. Dù là món ăn “ngoại lai”, qua quá trình tiếp biến văn hóa, bánh mì đã được Việt hóa để phù hợp với khẩu vị và thói quen ăn uống của người Việt. Từ một món ăn dân dã, bánh mì Sài Gòn đã trở thành biểu tượng ẩm thực của thành phố năng động và phồn thịnh bậc nhất miền Nam. TS. Đặng Thị Kiều Oanh (Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) chia sẻ: bánh mì Sài Gòn không chỉ là sản phẩm của sự dung hợp văn hóa Đông - Tây mà còn là minh chứng cho khả năng thích ứng và sáng tạo của người Việt, tạo nên hương vị độc đáo, cân bằng giữa ngũ chất, ngũ vị (mặn, ngọt, cay, chua, đắng) và ngũ sắc (trắng, xanh, vàng, đỏ, đen).

Trong tương lai gần, hy vọng bánh mì còn có thể kết hợp với các nguyên liệu sẵn có như chuối, sầu riêng, nước cốt dừa… như cách mà bánh mì đã từng kết hợp với thanh long trước đây.

Quả thật, bánh mì không chỉ đơn giản là một món ăn, mà còn là biểu tượng của sự dung hợp văn hóa, sự thích ứng và sáng tạo của người Việt. Đó là minh chứng cho khả năng hội nhập và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.


Tin: Nguyễn Thị Thu Thủy

Từ khóa: