TOẠ ĐÀM VỀ NHẬN DIỆN VÀ XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 28-11-2020

KTT - Toạ đàm với chủ đề "Khủng hoảng truyền thông - nhận diện nguy cơ và nguyên tắc xử lí” diễn ra ngày 27/11/2020 tại Khoa Truyền thông Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh.


Sáng 27/11/2020, chương trình toạ đàm với chủ đề “Khủng hoảng truyền thông - nhận diện nguy cơ và nguyên tắc xử lí” do Khoa Truyền thông Trường Đại học Văn hóa TP.HCM tổ chức đã diễn ra tại Hội trường Cơ sở 2 của trường, thu hút sự quan tâm của hơn 100 sinh viên các lớp trong khoa.

Khách mời dự toạ đàm là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông báo chí và pháp luật, bao gồm: 

- Thạc sĩ, nhà báo Phạm Văn Quen (bút danh Phúc Huy) - Biên tập viên Toà soạn Tuổi Trẻ Cuối Tuần - Báo Tuổi Trẻ

- Thạc sĩ Đoàn Thanh Vũ - Cộng sự công ty Luật Thùy & Cộng sự 

- Thạc sĩ Vũ Chi Mai - Giảng viên Khoa Truyền Thông

Các sinh viên hào hứng nêu quan điểm tại toạ đàm

Các sinh viên hào hứng nêu quan điểm tại toạ đàm

Tại tọa đàm, các khách mời đã cùng phân tích cách thức xử lý một số vụ việc cho thấy khủng hoảng truyền thông là thử thách to lớn với tổ chức, doanh nghiệp, nếu không nhận diện và xử lý kịp thời có thể gây thiệt hại nặng nề về tài sản, uy tín, thậm chí có thể “xóa sổ” cả một thương hiệu.

Qua phân tích diễn biến một số vụ việc cho thấy khi ứng phó và xử lý khủng hoảng, các tổ chức, doanh nghiệp và cả cá nhân cần phải nhận diện, đánh giá thật chính xác các dấu hiệu nhận biết cuộc khủng hoảng có thể bùng phát, lựa chọn chiến lược xử lý thật nhanh chóng, khéo léo để có thể hạn chế đến mức tối thiểu thiệt hại mà cuộc khủng hoảng gây ra.

Bên cạnh việc cùng đặt câu hỏi, trao đổi với các chuyên gia, các sinh viên Khoa Truyền Thông cũng tổ chức một trò chơi (mini game), thử chọn chiến lược xử lý khủng hoảng truyền thông cho trường hợp của Hoa hậu chuyển giới Hương Giang. Tháng 10/2020, Hương Giang bị những người không yêu thích (antifan) lập nhóm trên mạng xã hội để tạo làn sóng chê bai, kêu gọi “tẩy chay” khiến cho cuộc sống và hoạt động nghệ thuật của hoa hậu bị ảnh hưởng không nhỏ.

Buổi tọa đàm không chỉ cung cấp thêm kiến thức, kinh nghiệm về xử lý khủng hoảng truyền thông mà còn giúp sinh viên có thêm một số kỹ năng về tổ chức chương trình truyền thông, giúp ích cho việc học tập, làm việc của các bạn sau khi ra trường.

Nhà báo Phúc Huy đặt câu hỏi cho các sinh viên

MC của buổi toạ đàm

Thạc sĩ Đoàn Thanh Vũ đặt câu hỏi cho sinh viên

Các khách mời cùng phân tích một số vụ việc khủng hoảng nổi cộm diễn ra gần đây

Các sinh viên tham gia mini game giải quyết tình huống khủng hoảng truyền thông

Các đội tranh luận sôi nổi khi lựa chọn chiến lược xử lý khủng hoảng

Đại diện sinh viên tặng hoa cho các khách mời

Sinh viên cùng chụp hình lưu niệm với các khách mời sau tọa đàm


Tin: BTV Website

Ảnh: SV Khoa Truyền thông