Truyền thông marketing - Hiểu ngành để chọn nghề

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 29-04-2020

Truyền thông là gì? Marketing được hiểu thế nào? Có khá nhiều người còn mơ hồ và chưa hiểu được khái niệm Marketing và Truyền thông nên khi nhắc đến Marketing, Truyền thông hay Quảng cáo đều nghĩ là tương đương nhau. Trong thời gian này các trường đại học đang tiến hành tuyển sinh và các bạn học sinh lớp 12 đang đắn đo trong việc chọn ngành, chọn trường; phân vân không biết nên chọn Báo chí Truyền thông hay Tài chính Marketing. Bài viết này sẽ chỉ ra sự khác biệt giữa Marketing và Truyền thông, từ đó giúp chúng ta phân biệt cơ bản các khái niệm trên và lựa chọn ngành phù hợp với mình.

 


Truyền thông là gì? Marketing là thế nào?


Một người làm Marketing có thể nhận là mình đang làm Truyền thông, nhưng người làm Truyền thông thì không thực sự đang làm công việc Marketing, tại sao vậy? Để trả lời câu hỏi này, trước hết ta nên biết về định nghĩa của Marketing và Truyền thông.

Định nghĩa về Marketing thì marketing là marketing, có người dịch marketing là tiếp thị nhưng từ tiếp thị không biểu thị đầy đủ tính chất của marketing, giống như logistics không thể dịch là vận chuyển hay hậu cần được. Theo 4Ps, thì Marketing bao gồm: 

Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (xúc tiến). 

Philips Koler – cha đẻ của Marketing hiện đại thì Marketing là “The science and art of exploring, creating, and delivering value to satisfy the needs of a target market at a profit”, tạm dịch Marketing là môn Khoa học và Nghệ thuật, tạo ra giá trị và phân phối những giá trị đó nhằm thỏa mãn vấn đề của khách hàng mục tiêu để đem lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp.

Còn về định nghĩa Truyền thông (communication) là hoạt động liên quan đến các vấn đề về giao tiếp (communicate) và chia sẻ thông tin. Cụ thể, hoạt động truyền thông là một kiểu tương tác xã hội trong đó ít nhất có hai tác nhân tương tác với nhau, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu chung. Truyền thông chính là một phần trong Promotion (xúc tiến) – một chữ P trong 4Ps. Người làm Truyền thông không phải là làm marketing, vì các hoạt động truyền thông không trực tiếp ảnh hưởng đến sản phẩm hay giá cả. Marketing sử dụng Truyền thông như một công cụ để thực hiện các mục tiêu marketing như phát triển thương hiệu, tăng nhận diện thương hiệu,… Chính vì vậy, làm Marketing cũng là đang làm Truyền thông.

Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa Truyền thông và Marketing

Sự phân biệt dễ nhận thấy nhất, đó là ngành Marketing sẽ liên quan rất nhiều đến tính toán, khả năng logic và tư duy. Còn ngành Truyền thông cần sự thông minh, khéo léo và khả năng giao tiếp tốt, không quá quan trọng vào tính toán mà chủ yếu sẽ làm các công việc như viết lách, sáng tạo nội dung,...

Nếu bạn muốn thi vào ngành Marketing của trường Đại Học Tài Chính Marketing, thì bạn sẽ phải thi các khối A00, A01, D01, D96; còn bạn muốn thi vào ngành Truyền thông Văn hoá của trường Đại Học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh thì phải thi khối C00, D01, D14, D15.

Nếu bạn muốn biết rõ hơn về ngành Marketing là làm những công việc gì, cơ hội nghề nghiệp như thế nào,… thì bạn có thể đọc thêm trong bài viết “Làm marketing chính xác là làm gì, và cần phải “học marketing” thế nào?” của anh Nguyễn Việt Dũng - co-founder của trung tâm AiiM. (https://www.brandsvietnam.com/508-Lam-marketing-chinh-xac-la-lam-gi-va-can-phai-hoc-marketing-the-nao)

Còn về ngành truyền thông, muốn hiểu rõ hơn về ngành nghề và tính ứng dụng thực tế của ngành này tại các công ty, doanh nghiệp thì bạn có thể xem bài viết Giới thiệu tổng quan về ngành Truyền thông của Ella Study Vietnam JSC. (https://ellastudy.com/gioi-thieu-tong-quan-ve-nganh-truyen-thong)

Truyền thông và Marketing, nên chọn ngành nào?

- Nếu bạn là người nhanh nhạy, có tư duy về tính toán, thích kinh doanh và tìm hiểu về thị trường. Hãy mạnh dạn đăng ký về với đội của Marketing nhé!

- Nếu bạn không giỏi tính toán lắm mà yêu viết lách và thích văn chương hơn, bạn thích sáng tạo và biết cách giao tiếp khéo léo, vậy bạn đã có những tố chất cần thiết của một người làm truyền thông rồi đó.

Đặc biệt hơn, hiện nay Marketing và Truyền thông đã ngày càng gần nhau hơn bởi sự phát triển của nền kinh tế và sự ra đời của các khái niệm mới như IMC (Integrated Marketing Communications, hay còn được gọi là truyền thông marketing tích hợp) hay Marcom (Marketing Communications). Vì vậy, không phụ thuộc vào IQ của bạn cao bao nhiêu, không phân biệt bạn hướng nội hay hướng ngoại, dù cho bạn đã chọn con đường nào, hãy cố gắng và phấn đấu hết sức với quyết định của mình thì chắc chắn một ngày nào đó bạn cũng sẽ thành công.

Thanh Tuấn – Truyền thông Văn hóa 6

 

Từ khóa: