bởi quản trị viên | Ngày đăng: 19-11-2024
Toạ đàm khoa học với chủ đề “Giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông tương tác đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng” do Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp với Khoa Truyền thông và Khoa Di sản Văn hoá, Trường đại học Văn hoá TP.HCM đã diễn ra sáng 15/11/2024.
Các đại biểu và sinh viên tham dự toạ đàm cùng chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Sáng 15/11/2024, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Khoa Truyền thông và Khoa Di sản Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm khoa học “Giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông tương tác đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng”.
Toạ đàm được tổ chức với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, văn hoá và bảo tàng; đại diện một số bảo tàng tại TP.HCM, các công ty công nghệ và hơn 200 sinh viên của trường Đại học Văn hoá TP.HCM và một số trường đại học, cao đẳng khác. Các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, phân tích xu hướng “số hoá” hoạt động bảo tàng bằng việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo và sử dụng phương tiện truyền thông tương tác để tăng cường hiệu quả truyền tải thông điệp về bảo tàng đến với công chúng trong xu thế hiện nay.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuấn (Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Truyền thông) và ông Phạm Thành Nam - Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng chủ trì toạ đàm
Thạc sĩ Vũ Chi Mai, giảng viên Khoa Truyền thông - báo cáo viên tại toạ đàm - Ảnh: Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Tham dự toạ đàm, đại diện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày để tạo ấn tượng đối với khách tham quan: đưa cảm ứng âm thanh, ánh sáng vào khu vực trưng bày, sử dụng thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ để phục vụ du khách trong nước và nước ngoài, tích hợp mã QR vào hiện vật để du khách tiện tra cứu thông tin, các câu chuyện về hiện vật, số hoá các chuyên đề trưng bày tại bảo tàng…. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những đơn vị bảo tàng đi đầu trong việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tàng tại TP.HCM.
Anh Phạm Quang Vinh, đại diện nhóm Truyền thông Zám cũng chia sẻ kinh nghiệm tận dụng tính năng tương tác, viral của mạng xã hội để tổ chức chiến dịch truyền thông cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Mặc dù mức kinh phí hạn hẹp nhưng với những những sáng tạo thú vị của những bạn trẻ trong nhóm Truyền thông Zám, chiến dịch truyền thông tăng độ nhận diện thương hiệu cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM đã đạt hiệu quả cao.
Anh Phạm Quang Vinh - đại diện nhóm Truyền thông Zám chia sẻ tại toạ đàm - Ảnh: Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Tổng kết toạ đàm, ông Phạm Thành Nam – Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết Ban tổ chức sẽ ghi nhận các chia sẻ, đóng góp ý kiến từ các chuyên gia truyền thông, kinh nghiệm của các bảo tàng, phân tích rõ cơ hội, thách thức Bảo tàng Tôn Đức Thắng có hướng tiếp cận và đề ra chiến lược, bổ sung kế hoạch truyền thông của bảo tàng trong thời gian tới.
Bảo tàng Tôn Đức Thắng được thành lập nhân 100 năm kỷ niệm ngày sinh chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/1988). Là bảo tàng lưu niệm danh nhân, Bảo tàng Tôn Đức Thắng là nơi duy nhất trong cả nước giới thiệu có hệ thống và khá đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch Tôn Đức Thắng, đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan tìm hiểu của người dân, du khách.
Đại biểu từ các đơn vị bảo tàng tham dự toạ đàm
Hình ảnh các sinh viên Khoa Truyền thông Trường Đại học Văn hoá TP.HCM tại buổi toạ đàm:
BTV Website Khoa Truyền thông