SINH VIÊN TRUYỀN THÔNG CẦN NHỮNG KỸ NĂNG GÌ TRONG THỜI ĐẠI 4.0

bởi quản trị viên | Ngày đăng: 13-04-2020

KTT - Trong thời đại 4.0, nếu bạn chỉ lo học lý thuyết trên giảng đường thì cơ hội việc làm của bạn chỉ chiếm 30%. Là sinh viên Khoa Truyền thông, chúng ta cần kỹ năng gì để có thêm cơ hội cho bản thân, khẳng định được chính mình?


Theo như định nghĩa của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc), kỹ năng của thế kỷ 21 bao gồm 4 nhóm kỹ năng chính.

+ Thứ nhất là nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.

+ Thứ hai là nhóm kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) như năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính và các công cụ công nghệ.

+ Thứ ba là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.

+ Cuối cùng là kỹ năng sáng tạo như việc đưa ra các thiết kế mới, ý tưởng mở, sản phẩm sáng tạo…

1. Kỹ năng Tư duy phản biện (Critical Thinking)

Mặc dù đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng gần đây tư duy phản biện mới thật sự được quan tâm tại Việt Nam. Nó cũng chính là một điểm yếu “chết người” mà rất nhiều người mắc phải. Nói một cách dễ hiểu, khi bạn không có tư duy (tinh thần) phản biện, bạn làm việc như một cái máy, bạn lắng nghe như một con robot. Sếp nói gì bạn làm nấy. Trong cuộc thảo luận, bạn chỉ biết nghe ý kiến của người khác, sau đó làm theo mà không có lập trường hay ý kiến của riêng mình.

Trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, bạn không thể như 1 cái máy. Bạn phải có ý kiến, quan điểm, tư duy, sự sáng tạo của riêng mình.

Có thể hiểu, chúng ta phải có tư duy chất vấn, đóng góp, phản biện (phản bác) lại những gì theo bạn là có thể khác, có thể dung cách giải quyết khác để có kết quả tốt hơn.

Việc rèn luyện tư duy phản biện là vô cùng cần thiết, bởi nhờ có tư duy phản biện, bạn sẽ hình thành thói quen, biết cách tiếp cận vấn đề đa chiều, linh hoạt; có khả năng quan sát, phân tích và nhìn nhận thấu đáo, từ đó dễ thích nghi trước mọi đổi thay trong cuộc sống, công việc.

Để trang bị và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, bảo đảm có việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đòi hỏi nỗ lực liên tục của sinh viên trong suốt quá trình học tập tại trường cũng như sự hỗ trợ tích cực của nhà trường và doanh nghiệp.

Với phương châm tạo mối quan hệ liên kết với doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc trong tương lai, Khoa Truyền thông ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan báo chí, đơn vị truyền thông phù hợp; qua đó doanh nghiệp và nhà trường sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo sinh viên chuyên ngành Truyền thông Văn hóa, phục vụ cho doanh nghiệp, đơn vị truyền thông sau khi tốt nghiệp.

Lễ ký kết hợp tác giữa Khoa Truyền thông với các doanh nghiệp

Đi thực tế tại cơ quan báo chí

2. Kỹ năng hợp tác

Hợp tác là cách mà nhiều người cùng làm việc với nhau để hướng đến một mục tiêu chung và thông qua đó, mỗi cá nhân sẽ nâng cao kiến thức và hoàn thiện bản thân hơn. Do đó, mỗi cá nhân cần thiết phải trang bị cho mình kỹ năng hợp tác.

Hợp tác là một kỹ năng quan trọng để có được thành công trong cuộc sống. Bạn cần phải hiểu từ sớm rằng việc hợp tác với người khác sẽ mang lại những giá trị to lớn hơn trong bất kỳ một hoạt động nào, từ việc chơi trò chơi cho đến học tập cũng như công việc, các vấn đề khó khăn gặp phải khi đi làm. Bên cạnh đó, việc biết hợp tác với người khác còn giúp bạn trở thành người có kỹ năng giao tiếp tốt, biết tôn trọng người khác và có lòng trắc ẩn. Nhưng làm thế nào để có kỹ năng hợp tác là điều không phải ai cũng nắm được. 

Có rất nhiều nghiên cứu về kỹ năng mềm và phần lớn đều cho kết quả rằng kỹ năng giao tiếp được xem như là kỹ năng quan trọng nhất. Kỹ năng giao tiếp bao gồm cả kỹ năng nói và viết – khả năng của bạn thể hiện ở những thứ bạn viết ra và những thứ bạn nói ra. Phát hiện này không phải mới, vì trong thực tế bạn cũng có thể nhận ra, chúng ta không thể thực sự thành công trong cuộc sống nếu bản thân không giỏi trong việc thể hiện và giải thích mọi thứ.

Hiện nay, khả năng giao tiếp là điều cần thiết để nâng cao cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Bạn cần có khả năng giao tiếp rõ ràng và lịch sự. Điều quan trọng là phải truyền tải thông điệp của bạn qua các cách sao cho mọi người có thể hiểu được.

Nhưng tập trung vào những kỹ năng giao tiếp bị động cũng rất quan trọng. Đó chính là nâng cao kỹ năng nghe của bạn – bạn cần phải biết cách lắng nghe mọi người nói thay vì chỉ chăm chăm đợi đến lượt của mình.

Hơn nữa, kỹ năng giao tiếp cũng bao gồm ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ cơ thể của bạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc mọi người có thể hiểu thông điệp của bạn đến đâu.

Với các học phần tại Khoa Truyền thông, làm việc nhóm là kỹ năng mà các bạn sinh viên năm nhất đã phải làm quen và hiệu quả đạt đến mức độ nào chính các bạn sẽ phải học hỏi từ chính những bài tập mà giảng viên các học phần đưa ra. Sản phẩm của các nhóm chính là kết quả của quá trình hoạt động nhóm mà chuyên ngành Truyền thông Văn hóa muốn hướng tới.

Cùng nhau làm một chương trình, thành công của chương trình luôn có 2 từ "Chúng ta"

"Chúng ta" đã làm được!

3. Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (communication)

Kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) thể hiện ở năng lực giải quyết vấn đề dựa trên máy tính hiện đại và các công cụ công nghệ.

Sống trong kỷ nguyên số 4.0 với ngập tràn thông tin trên mạng Internet, và nhiều công nghệ cao, có được bộ kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông là tối cần thiết cho mọi người. Vì vậy sinh viên cần được thúc đẩy khả năng xử lý thông tin, tư duy phản biện và sáng tạo, đồng thời phải biết cách sử dụng hiệu quả các sản phẩm công nghệ để tối ưu hoá khả năng học tập và thu nạp kiến thức ở hiện tại cũng như phục vụ cho công việc sau này. 

Sinh viên Khoa Truyền thông để hoàn thành tốt nghiệp cần tích lũy đủ 130 tín chỉ, bên cạnh đó 3 chứng chỉ không thể thiếu đó là: Ngoại ngữ, Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và 1 phần mềm dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh phục vụ cho công việc sau này.

Như vậy, có thể thấy nhà trường rất quan tâm và đề cao kỹ năng này, vì trong thời đại 4.0, bạn không sử dụng được máy tính, bạn không thể làm việc được và nhất là đối với những người theo ngành truyền thông, bạn sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề trên chính máy tính của mình.

4. Kỹ năng sáng tạo (Creativity)

Cũng giống như sự tự tin, sáng tạo là kết quả của một quá trình rèn luyện, học hỏi, phát triển kỹ năng.

Có khả năng sáng tạo, bạn sẽ bẻ gãy tư duy đóng khung (fixed mind), luôn tìm tòi và phát hiện ra các khía cạnh mới của vấn đề, chủ động giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Công nghệ phát triển nhanh chóng, khiến cho các công việc đơn giản ngày một được tự động hoá nhiều. Để được săn đón trong thị trường lao động, người trẻ cần có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp. Đó là khả năng tìm ra được lời giải thuyết phục cho các vấn đề thực tế đòi hỏi tư duy mới mẻ, sáng tạo mà máy móc không thể xử lý được.

Ví dụ như lập kế hoạch truyền thông cho công ty, phát triển sản phẩm mới, đề xuất chiến dịch truyền thông sáng tạo…

Sinh viên Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và sinh viên chuyên ngành Truyền thông Văn hóa thuộc Khoa Truyền thông nói riêng luôn được khuyến khích sự sáng tạo, phát triển bản thân một cách toàn diện thông qua nhiều hoạt động ngoại khoá, hoạt động được tích hợp trong chương trình giảng dạy…

Hoạt động Khám phá Sài Gòn do chính các bạn sinh viên Khoa Truyền thông thực hiện hàng năm

 

* Bài viết có tham khảo nghiên cứu của Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21 (Assessment and Teaching of 21 Century Skills)

* Hình ảnh tổng hợp của giảng viên và sinh viên Khoa Truyền thông

K.P

BBT Website - K.P

Từ khóa: